Toyota chứng minh cho cả thế giới thấy 'không vội làm xe điện' là đúng

Chọn cách tiếp cận đa phương cách thay vì dồn lực hoàn toàn cho xe điện, Toyota đi từ chỗ bị hoài nghi đến chứng minh cho công chúng thấy điều ngược lại.

Ngày 25/10, Triển lãm ô tô Tokyo trở lại sau hai năm vắng bóng vì dịch Covid-19 với tên gọi mới Japan Mobility Show - JMS 2023. Sức hút của một trong 5 triển lãm ô tô lớn nhất thế giới tiếp tục kéo công chúng đến màn trình diễn của các hãng xe, đặc biệt là ông lớn Toyota tại sân nhà.

Ông Koji Sato, Chủ tịch & Giám đốc Điều hành, Thành viên Ban Giám đốc Toyota tại JMS 2023

Ông Koji Sato, Chủ tịch & Giám đốc Điều hành, Thành viên Ban Giám đốc Toyota tại JMS 2023

Japan Mobility Show 2023 ngập tràn xe điện và các mẫu concept hướng đến tương lai xanh. Nhưng tâm điểm của kỳ triển lãm lần này không nằm ở những mẫu xe không phát thải ấy, mà là sự quan ngại của nhiều hãng đối với loại phương tiện này khi doanh số chậm lại và nhiều khách hàng tỏ ra quan ngại.

Xe điện – cơn đau đầu của các hãng xe

Với nhiều tập đoàn ô tô lớn trên thế giới, khi chọn xe điện như con đường không đường lùi để hướng đến tương lai không phát thải, nhu cầu mua sắm của người dân sụt giảm và hàng tồn kho ngày càng nhiều không phải là điều họ mong muốn. Nhưng thực tế này ngày càng lộ rõ và tạo áp lực buộc các hãng nhìn nhận lại kế hoạch của mình trước khi quá muộn.

General Motors (GM), ông lớn ngành xe số một nước Mỹ từng hào hứng với mục tiêu sản xuất 100.000 xe điện trong năm 2023, cũng như 400.000 chiếc khác trong nửa đầu 2024. Nhưng ngày 24/10, GM thông báo ngưng kế hoạch này “trong vài tháng” để đánh giá lại tình hình bởi nhu cầu xe điện đang sụt giảm.

“Càng đi sâu hơn vào quá trình chuyển đổi sang xe điện, chúng tôi nhận thấy con đường trở nên gập ghềnh" – bà Mary Barra, CEO của GM nói. Hồi tháng 5/2023, chính GM và hãng xe Nhật Bản Honda cũng tuyên bố ngưng hợp tác trong dự án chế tạo những mẫu xe điện giá phải chăng, đặc biệt là crossover chỉ sau gần một năm triển khai.

Hai hãng Mỹ khác là Tesla và Ford cũng đưa ra những cảnh báo về việc nhu cầu giảm đột ngột với xe điện. Ford cân nhắc cắt giảm ca làm việc tại nhà máy sản xuất mẫu bán tải thuần điện F-150 Lightning do nhu cầu giảm. Song song với đó, hãng muốn chuyển hướng đầu tư vào các loại xe thương mại và xe hybrid khác có khả năng sinh lời cao hơn. Tesla, ông lớn số một mảng xe điện trên toàn cầu cũng đánh giá lại dự án nhà máy sản xuất xe điện trị giá 10 tỷ USD ở Mexico công bố hồi tháng 3.

Không chỉ các nhà sản xuất Mỹ mới cảm thấy khó khăn, nhu cầu xe điện giá rẻ tại thị trường Trung Quốc vẫn không sôi động như ở thị trường châu Âu. Nhà sản xuất pin CATL lớn nhất Trung Quốc cho biết quý III là quý có kết quả kinh doanh thấp nhất từ đầu 2023 đến nay, do nhu cầu xe điện sụt giảm. Ở châu Âu, Volkswagen cắt giảm triển vọng tỷ suất lợi nhuận. Doanh số xe điện trong 9 tháng đầu 2023 tăng 49%, con số của cùng kỳ năm 2022 là 63%, theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys.

Hai mẫu xe BEV của Toyota là FT-3e (dòng SUV) và FT-Se (dòng thể thao) trưng bày tại JMS 2023

Khi các hãng xe đối thủ đau đầu với triển vọng của xe thuần điện, Toyota bình thản hơn. “Mọi người cuối cùng cũng nhận ra thực tế", Akio Toyoda, chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn Toyota trả lời khi được hỏi về những thách thức với xe điện trong khuôn khổ JMS 2023. Nhờ chiến lược đa dạng các phương án điện hóa, nơi xe điện, xe hybrid, xe chạy nhiên liệu hydro… đều được nghiên cứu, ứng dụng, Toyota chủ động hơn trước những biến động của ngành ô tô thế giới.

Tiếp cận đa chiều hướng đến tương lai

Không gian trưng bày của Toyota tại Japan Mobility Show 2023 tập hợp nhiều mẫu xe điện hóa, dành cho nhiều đối tượng khách hàng và nhu cầu sử dụng khác nhau. Đây cũng là cách hãng Nhật hình dung về những bước đi hướng đến tương lai điện hóa. Xe điện là một phần trong số đó, chiếm một vị trí quan trọng nhưng không phải duy nhất.

“Trên thế giới tồn tại nhiều nhu cầu cũng như giá trị khác nhau đến từ những con người khác nhau”, ông Koji Sato, CEO đương nhiệm của Toyota, phát biểu trên sân khấu JMS 2023. “Tương lai không được quyết định bởi bất cứ ai mà tương lai là thứ mà tất cả chúng ta tạo ra”.

Tương lai mà ông Sato nhắc đến không đóng đinh ở một lựa chọn nào. Tại Japan Mobility Show 2023, Toyota đem đến hàng loạt mẫu xe concept có thể đáp ứng tối đa sự đa dạng, cả về nhu cầu lẫn cách thức di chuyển của con người những năm tới. Công chúng có thể chiêm ngưỡng mẫu IMV 0 với khả năng tùy biến cao, vừa là một quầy bar, shop bán đồ ăn nhanh hoặc nhà di động. Hay mẫu Kayoibako vừa là một mẫu xe chở khách cao cấp, cũng có thể vận chuyển các vật phẩm cồng kềnh…

Theo ông Koji Sato, đi cùng việc đa dạng hóa các giải pháp di chuyển, Toyota tiếp tục kiên định với chiến lược cởi mở với các nguồn năng lượng mới để đi đến mục tiêu cuối cùng: trung hòa carbon. Ở những thị trường phát triển, hãng sẽ đẩy mạnh việc cung cấp các biến thể điện hóa. Kế hoạch nâng mức đầu tư thêm 8 tỷ USD hồi cuối tháng 10, lên 13,9 USD để tăng tốc điện hóa tất cả các dòng sản phẩm đến 2025 của Toyota là một ví dụ cho điều đó.

Ở những quốc gia còn hạn chế về hạ tầng trạm sạc hay thu nhập người dân còn thấp mà giá thành xe thuần điện chạy pin (BEV) chưa thể tiếp cận, những mẫu xe hybrid của Toyota là giải pháp hoàn hảo. Một tín hiệu đầy tích cực là tại Bắc Mỹ các tháng cuối 2023, trong khi các đối thủ hủy hoặc giảm sản xuất xe điện, Toyota đang nỗ lực làm ra nhiều xe hybrid nhiều nhất có thể để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Ngoài xe điện, xe hybrid, Toyota cũng tiên phong trong việc nghiên cứu, mở rộng ứng dụng xe chạy hydro vào thực tiễn. Hôm 24/10, Toyota và các công ty đối tác đi vào vận hành dây chuyền sản xuất khí hydro từ khí sinh học lấy từ một trang trại gà ở quốc gia láng giềng, Thái Lan. Không dừng lại ở đó, các nguồn năng lượng khác, ví dụ như xăng sinh học cũng trong tầm ngắm của hãng Nhật.

Innova Cross hybrid mới ra mắt tại thị trường Việt Nam

Ngay ở Việt Nam, nỗ lực cắt giảm khí thải carbon cũng được Toyota triển khai bằng nhiều hình thức. Bên cạnh việc mở rộng dải sản phẩm hybrid, hãng kết hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn thực hiện dự án nghiên cứu xăng sinh học giai đoạn 1 và thu được những tín hiệu lạc quan.

Dự án nghiên cứu xăng sinh học giai đoạn 1 cho kết quả khả quan

Kết quả của dự án trên công bố hồi đầu tháng 8 cho thấy, khi sử dụng xăng RON95, xăng sinh học E5 và E10 trong điều kiện tắc đường, hai loại xăng sinh học này giảm phát thải khí CO2 khoảng 5,7-11,6,% đối với xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE), và khoảng 9,2-11% đối với xe hybrid (HEV). Nếu sử dụng xăng sinh học E5, lượng tiêu hao nhiên liệu có thể giảm 37,86 lít/năm đối với xe HEV và 7,28 lít/năm đối với xe ICE.

Những năm qua, Toyota là một trong những thương hiệu ô tô đi đầu tại Việt Nam ở khía cạnh cân bằng lợi ích kinh tế và môi trường. Hãng xe Nhật triển khai đồng bộ chiến lược về bảo vệ môi trường từ nhà máy đến đại lý, nhà cung cấp. Bên cạnh đó là nỗ lực thực hiện 6 thách thức môi trường mà Toyota toàn cầu đã đề ra, chung tay hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.

Khi nhiều hãng xe trong ngành đang đối diện với các thách thức do đặt cược hoàn toàn vào xe điện, cách tiếp cận đa chiều, ứng dụng nhiều giải pháp cùng lúc cho mục tiêu điện hóa của Toyota cho thấy tầm nhìn đúng đắn của hãng Nhật. Như chủ tịch Toyota, ông Akio Toyoda phát biểu tại Japan Mobility Show 2023: “Có nhiều cách trèo lên ngọn núi để đạt mục tiêu trung hòa carbon”.

(Nguồn: https://tienphong.vn/cac-hang-lao-dao-voi-xe-dien-toyota-chung-minh-tiep-can-da-chieu-la-dung-dan-post1589212.tpo)